Nhu cầu phân đạm hàng năm của Việt Nam khoảng 2 triệu tấn. Hiện tại, trên cả nước đang có 4 nhà máy sản xuất phân đạm với tổng công suất tương đương 2,65 triệu tấn/năm. Ngoài nhà máy đạm Hà Bắc với công suất 500.000 tấn/năm, còn có 3 nhà máy khác. Các doanh nghiệp này đã và đang tạo ra sức cạnh tranh quyết liệt và phức tạp trên thị trường phân bón Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung vượt nhu cầu trong nước. Ngoài đối thủ cạnh tranh trong nước, Công ty còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc. Cạnh tranh từ các quốc gia khác là khá cao khi mà từ năm 2012 trở về trước, 40% nhu cầu phân bón trong nước phải nhập khẩu từ nước ngoài. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc, chiếm khoảng 49% tổng lượng phân bón nhập khẩu. Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh với khả năng sản xuất được 61 triệu tấn/năm.
Quá trình hình thành và phát triển:
- Ngày 18/2/1959 Chính phủ Việt Nam đã ký với Chính phủ Trung Quốc hiệp định về việc Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng nhà máy Phân đạm. Đây là món quà tặng biểu tượng cho tình hữu nghị của Đảng và nhân dân Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam.
- Đầu năm 1960 nhà máy Phân đạm đầu tiên của Việt Nam được khởi công xây dựng trên mảnh đất 40ha thuộc xã Thọ Xương cách thị xã Bắc Giang về phía bắc 1km (nay thuộc phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Sau 5 năm xây dựng, Nhà máy đã hình thành với tổng số 130 công trình. Ngày 03/02/1965 khánh thành Phân xưởng Nhiệt điện. Ngày 19/05/1965 Phân xưởng Tạo khí đã khí hoá than thành công (đã sản xuất được khí than để làm nguyên liệu sản xuất Amôniắc). Ngày 01/06/1965 Xưởng Cơ khí đi vào hoạt động. Tuy nhiên cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã làm dang dở và kéo dài ngày sản xuất bao đạm đầu tiên tới 10 năm sau. Để bảo vệ tính mạng của công nhân và tài sản của Nhà nước, Chính phủ đã quyết định đình chỉ việc đưa nhà máy vào sản xuất. Phân xưởng Nhiệt điện chuyển thành nhà máy Nhiệt điện Hà Bắc bám trụ sản xuất phục vụ kinh tế và quốc phòng. Xưởng Cơ khí chuyển thành Nhà máy Cơ khí hoá chất Hà Bắc sơ tán lên Lạng Giang và sản xuất theo nhiệm vụ thời chiến, Khu Hoá tháo dỡ thiết bị đưa trở lại Trung Quốc.
- Trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại, máy bay Mỹ đã đánh phá Nhà máy Điện 52 trận với hàng ngàn tấn bom đạn. Tự vệ nhà máy đã tham gia chiến đấu 63 trận, góp phần bắn rơi một máy bay Mỹ và bắn bị thương một số chiếc khác.
- Đầu năm 1973, Nhà máy được khôi phục xây dựng và mở rộng, ngày 01/05/1975 Chính phủ hợp nhất Nhà máy Điện Hà Bắc, Nhà máy Cơ khí Hoá chất Hà Bắc và các phân xưởng Hoá thành lập Nhà máy Phân đạm Hà Bắc. Ngày 12/12/1975 sản xuất ra bao đạm mang nhãn hiệu Lúa vàng đầu tiên. Ngày 30/10/1977 Phó Thủ tướng Đỗ Mười cắt băng khánh thành Nhà máy Phân Đạm Hà Bắc, đứa con đầu lòng của ngành sản xuất đạm Việt Nam.
- Năm 1976-1983 sản xuất gặp nhiều khó khăn, sản lượng năm 1981 chỉ đạt 9000 tấn đạm urê bằng 9% công suất thiết kế. Ngày 17/01/1983 Chủ tịch Hộ đồng Bộ trưởng có Chỉ thị 19-CP nhằm duy trì và đẩy mạnh sản xuất của Nhà máy Phân đạm Hà Bắc.
- Ngày 10/10/1988 Nhà máy đổi tên thành Xí nghiệp Liên hợp Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc.
- Ngày 13/02/1993 đổi tên thành Công ty Phân đạm và Hoá Chất Hà Bắc.
- Ngày 20/10/2006 chuyển đổi thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phân Đạm và Hoá chất Hà Bắc.
- Trong quá trình phát triển, Công ty đã được sự quan tâm của các đồng chí Lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Các đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương đã về thăm và làm việc tại Công ty.
- Công ty được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc theo Giấy chứng nhận đăng k{ kinh doanh số 2400120344 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang cấp thay đổi lần thứ 12 ngày 01/01/2016.
Ngành nghề kinh doanh:
- Sản xuất, kinh doanh phân đạm Urê
- Sản xuất, kinh doanh các loại phân bón
- Sản xuất, kinh doanh hóa chất
- Sản xuất, kinh doanh Amôniắc lỏng
- Sản xuất, kinh doanh Các bon điôxít (lỏng, rắn)
- Sản xuất, kinh doanh các sản phẩm khí công nghiệp
- Sản xuất, kinh doanh điện và hàng cơ khí
- Xây lắp công trình công nghiệp; xây lắp công trình dân dụng; tư vấn hoạt động xây dựng; thiết kế thiết bị, công nghệ công trình hóa chất.
- Kinh doanh xuất, nhập khẩu phân bón, hóa chất và các sản phẩm khí công nghiệp