tỷ lệ dự trữ thanh khoản

Tỷ lệ dự trữ thanh khoản được xác định bằng tổng số tài sản có tính thanh khoản cao trên tổng nợ phải trả của tổ chức. Tỷ lệ dự trữ thanh khoản chính là một loại tỷ lệ để xác định khả năng trả nợ của các tổ chức, bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng.... Tỷ lệ dự trữ thanh khoản càng lớn thì khả năng thanh toán nợ của các tổ chức lại càng cao.

Công thức xác định tỷ lệ dự trữ thanh khoản:

Tỷ lệ dự trữ thanh khoản = Tài sản có tính thanh khoản cao/Tổng nợ phải trả

Quy định của Nhà nước về tỷ lệ dự trữ thanh khoản

Thông tư số 22/2019/TT-NHNN

Trong thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15 tháng 11 năm 2019 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại Điều 14 về tỷ dự trữ thanh khoản như sau:

“Tỷ lệ dự trữ thanh khoản:

a) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải nắm giữ những tài sản có tính thanh khoản cao để dự trữ đáp ứng các nhu cầu chi trả đến hạn và phát sinh ngoài dự kiến.

b) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì tỷ lệ dự trữ thanh khoản tối thiểu 10%.

c) Tỷ lệ dự trữ thanh khoản được xác định theo công thức sau:

Tỷ lệ dự trữ thanh khoản (%) = (Tài sản có tính thanh khoản cao/ Tổng nợ phải trả)* 100%"

Thông tư số 23/2020/TT- NHNN

Điều 14 Thông tư số 23/2020/TT- NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng quy định rằng:

“2. Tỷ lệ dự trữ thanh khoản:

a) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải nắm giữ những tài sản có tính thanh khoản cao để dự trữ đáp ứng các nhu cầu chi trả đến hạn và phát sinh ngoài dự kiến.

b) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải duy trì tỷ lệ dự trữ thanh khoản tối thiểu 1%.

c) Tỷ lệ dự trữ thanh khoản được xác định theo công thức sau:

Tỷ lệ dự trữ thanh khoản (%) = (Tài sản có tính thanh khoản cao/ Tổng nợ phải trả)* 100%”

Từ quy định trong hai thông tư trên ta thấy công thức xác định tỷ lệ dữ trữ thanh khoản là giống nhau nhưng mức tỷ lệ đặt ra cho các đối tượng là khác nhau. Cụ thể như sau:

  • Ngân hàng: 10%
  • Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 1%

Sự khác biệt này xuất phát từ sự khác biệt từ nguồn vốn, quy mô cũng như đặc thù hoạt động của hai nhóm đối tượng là hoàn toàn khác nhau.

(*) Lưu ý: Nội dung được tổng hợp từ nhiều nguồn tin cậy, có giá trị tham khảo cho người tra cứu. Tuy nhiên, chúng tôi không chịu trách nhiệm trước mọi rủi ro do sử dụng nội dung này.