CPI

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là gì?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI; Consumer Price Index) là chỉ số tính theo phần trăm để phản ánh mức thay đổi tương đối của giá hàng tiêu dùng theo thời gian. Sở dĩ chỉ là thay đổi tương đối vì chỉ số này chỉ dựa vào một giỏ hàng hóa đại diện cho toàn bộ hàng tiêu dùng.

Đây là chỉ tiêu được sử dụng phổ biến nhất để đo lường mức giá và sự thay đổi của mức giá chính là lạm phát (một chỉ tiêu khác để phản ánh mức giá chung là Chỉ số giảm phát tổng sản phẩm trong nước hay Chỉ số điều chỉnh GDP).

Danh mục hàng hoá và dịch vụ đại diện gồm các mặt hàng và dịch vụ chủ yếu, đại diện cho tiêu dùng của dân cư trong một giai đoạn nhất định, được sử dụng để điều tra thu thập giá định kỳ, phục vụ tính chỉ số giá tiêu dùng. Quyền số tính chỉ số giá tiêu dùng là tỷ trọng chi tiêu cho các nhóm hàng hoá và dịch vụ trong tổng chi tiêu của dân cư. Sau mỗi chu kỳ 5 năm, danh mục mặt hàng đại diện, quyền số lại được cập nhật cho phù hợp với thị trường tiêu dùng và cơ cấu chi tiêu cho đời sống hàng ngày của người dân trong giai đoạn hiện tại.

Chỉ số giá tiêu dùng được tính theo tháng, được so sánh với: năm gốc, tháng trước, cùng tháng năm trước, tháng 12 năm trước và bình quân thời kỳ cho từng tỉnh, thành phố và cả nước

Cách tính chỉ số CPI tại Việt Nam của Tổng cục Thống kê

Để tính CPI, Tổng cục Thống kê triển khai các công việc như sau:

  1. Xác định Danh mục hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phổ biến của người dân, còn được gọi là “rổ” hàng hóa, tổng số mặt hàng đại diện trong “rổ” hàng hoá thời kỳ 2020-2025 là 752 mặt hàng được sắp xếp theo cấu trúc của chỉ số và có hình ảnh minh họa, mỗi hàng hoá và dịch vụ trong danh mục điều tra đều phải mô tả chi tiết về quy cách, phẩm cấp, nhãn mác cụ thể. Căn cứ vào Danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện của cả nước, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng danh mục điều tra giá tiêu dùng riêng, được sử dụng để thu thập giá cho địa phương. Do mỗi địa phương có mức sống và tập quán tiêu dùng khác nhau nên trừ một số mặt hàng phải thống nhất quy cách, phẩm cấp trên phạm vi cả nước đã được đưa ra trong Danh mục chuẩn, những mặt hàng và dịch vụ còn lại được chọn theo đặc điểm tiêu dùng của địa phương. Sau khi xây dựng xong Danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện, mỗi địa phương xây dựng một mạng lưới điều tra giá riêng biệt. Mạng lưới điều tra giá bao gồm các khu vực điều tra là các chợ, trung tâm thương mại, các siêu thị bán lẻ… có hoạt động buôn bán, kinh doanh hàng hoá và dịch vụ để tiến hành điều tra thu thập giá. Số lượng khu vực điều tra giữa các địa phương khác nhau căn cứ vào quy mô hành chính, địa lý, dân số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại mỗi khu vực điều tra có các điểm điều tra là các sạp hàng, quầy hàng, điểm bán hàng chuyên bán lẻ, cơ sở kinh doanh dịch vụ, đơn vị sự nghiệp, trường học, cơ sở khám chữa bệnh…
  2. Xác định cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình tương ứng với các nhóm trong Danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện hay còn gọi là quyền số. Để tính quyền số phục vụ tính chỉ số giá tiêu dùng thời kỳ 2020-2025, Tổng cục Thống kê đã thực hiện thu thập thông tin tính quyền số chỉ số giá tiêu dùng từ cuộc “Khảo sát mức sống dân cư và Điều tra quyền số chỉ số giá tiêu dùng năm 2018” tại 63 địa phương trong 4 kỳ điều tra nhằm loại trừ yếu tố mùa vụ. Nội dung của cuộc Khảo sát này nhằm thu thập thông tin chi tiêu của hộ dân cư về các loại hàng hóa và dịch vụ phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân.
  3. Hàng tháng, 63 địa phương tổ chức thu thập giá các mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện theo 3 kỳ. Toàn quốc có khoảng 40.000 điểm điều tra giá với địa điểm kinh doanh ổn định, thuộc các loại hình kinh tế. Hiện nay, chúng tôi đã triển khai điều tra giá tiêu dùng bằng thiết bị điện tử CAPI tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giúp nâng cao chất lượng số liệu điều tra, minh bạch quá trình điều tra, rút ngắn thời gian sản xuất số liệu và tiến tới hội nhập với thống kê thế giới.

Đối với các mặt hàng đặc biệt như điện, nước sinh hoạt, Tổng cục Thống kê quy định riêng cách thu thập giá theo đúng phương pháp luận quốc tế và thực hiện theo tư vấn của chuyên gia IMF. Ví dụ, điện sinh hoạt là một mặt hàng quan trọng phục vụ đời sống hàng ngày của người dân. Giá bán lẻ điện phục vụ tiêu dùng có những điểm đặc biệt, không giống như hàng hoá khác. Giá bán lẻ điện do Nhà nước quản lý và chia theo nhiều mức. Vì vậy, giá thực tế bình quân gia quyền trả cho 1 kwh điện tiêu thụ của người dân hằng tháng khác nhau tuỳ theo lượng tiêu thụ ở các mức nhiều hay ít, điều này phản ánh đúng giá thực tế mà người dân phải chi trả. Cách tính giá tiêu dùng thực tế bình quân của 1 m3 ước hằng tháng cũng tương tự như tính giá điện, giá bán nước máy được tính bằng cách chia doanh thu bán nước máy cho tổng khối lượng tiêu thụ theo nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tháng đó.

Chỉ số giá tiêu dùng được chúng tôi công bố vào ngày 29 hằng tháng trên website của Tổng cục Thống kê, bao gồm CPI của cả nước, 6 vùng kinh tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với chỉ số giá chung, chỉ số giá 11 nhóm hàng cấp 1 và chia theo khu vực thành thị, nông thôn theo 5 gốc so sánh (năm gốc 2019, cùng kỳ năm trước, tháng 12 năm trước, kỳ trước và chỉ số giá bình quân cùng kỳ).

(*) Lưu ý: Nội dung được tổng hợp từ nhiều nguồn tin cậy, có giá trị tham khảo cho người tra cứu. Tuy nhiên, chúng tôi không chịu trách nhiệm trước mọi rủi ro do sử dụng nội dung này.