Loại trừ lẫn nhau là một thuật ngữ mô tả hai hoặc nhiều sự kiện không thể xảy ra đồng thời. Thuật ngữ này thường được sử dụng để mô tả một tình huống trong đó sự xuất hiện của một kết quả sẽ thay thế kết quả kia.
Các sự kiện được coi là loại trừ lẫn nhau khi chúng không thể xảy ra cùng một lúc. Thuật ngữ loại trừ lẫn nhau thường được áp dụng trong việc lập ngân sách vốn. Công ty có thể phải lựa chọn 1 trong nhiều dự án sẽ tạo ra giá trị cho công ty khi hoàn thành. Trong số đó, một số dự án loại trừ lẫn nhau.
Ví dụ, giả sử một công ty có ngân sách 50.000 đô la cho các dự án mở rộng. Nếu có 2 dự án A và B, mỗi dự án có chi phí là 40.000 đô la và Dự án C chỉ tốn 10.000 đô la, thì Dự án A và B là loại trừ lẫn nhau. Nếu công ty lựa chọn dự án A thì sẽ không đủ nguồn lực để thực hiện dự án B và ngược lại. Dự án C có thể được coi là dự án độc lập. Không kể công ty chọn dự án A hay B, nó vẫn có đủ khả năng để thực hiện dự án C. Việc chấp nhận A hoặc B không ảnh hưởng đến khả năng thực hiện của C và việc chấp nhận C không ảnh hưởng đến khả năng thực hiện của một trong hai dự án còn lại.
Phân tích dự án A và B theo chi phí cơ hội: Giả sử rằng Dự án A có khả năng sinh lời là 100.000 đô la, trong khi Dự án B sẽ chỉ thu về 80.000 đô la. Vì A và B loại trừ lẫn nhau, nên chi phí cơ hội của việc chọn B bằng lợi nhuận của phương án sinh lợi nhất (trong trường hợp này là A) trừ đi lợi nhuận được tạo ra bởi phương án B, bằng 100.000 đô la - 80.000 đô la = 20.000 đô la. Bởi vì phương án A là phương án sinh lợi nhất, nên chi phí cơ hội của việc chọn phương án A là $0