Hợp đồng kỳ hạn là gì?
Hợp đồng kỳ hạn là một loại hợp đồng giao sau, đối lập với hợp đồng giao ngay (spot contract) – với tài sản thường được giao trong vòng 2 ngày kể từ ngày kí kết (T+2). Hợp đồng kỳ hạn có thời điểm giao nhận xa hơn so với T+2. Chênh lệch giữa giá kỳ hạn và giá giao ngay gọi là khoản thặng dư (forward premium) nếu giá kỳ hạn cao hơn, hoặc khoản chiết khấu (forward discount) nếu giá kỳ hạn thấp hơn.
Người ta có thể sử dụng hợp đồng kỳ hạn để đầu cơ giá cả trong tương lai, nhưng thường thì mục đích của hợp đồng là để tránh việc tài sản bị tác động của rủi ro về giá cả cũng hay lãi suất trong tương lai (hedging).
Các loại hợp đồng kỳ hạn phổ biến hiện nay.
Hiện nay các bên tham gia các giao dịch thường lựa chọn một số loại hợp đồng kỳ hạn phổ biến sau:
- Hợp đồng kỳ hạn cổ phiếu (equity forward contract): Là loại hợp đồng kỳ hạn với tài sản cơ sở là cổ phiếu.
- Hợp đồng kỳ hạn trái phiếu (forward contract on bond): Là loại hợp đồng kỳ hạn với tài sản cơ sở là trái phiếu.
- Hợp đồng kỳ hạn hàng hóa (commodity forward): Tài sản cơ sở là các loại hàng hóa thực như lúa; gạo, lúa mỳ, cà phê, dầu thô;.....
- Hợp đồng giao dịch tiền tệ kỳ hạn (currency forward contract): Hợp đồng kỳ hạn trong đó hai bên cam kết sẽ mua hoặc bán với nhau một lượng ngoại tệ theo một tỷ giá xác định, vào một thời điểm xác định trong tương lai.
- Hợp đồng lãi suất kỳ hạn (forward rate agreement- FRA): Hợp đồng mà hai bên đồng ý lãi suất sẽ trả được vào một ngày thanh toán trong tương lai.
- Hợp đồng kỳ hạn không giao dịch (non-deliverable forward – NDF): Là loại hợp đồng kỳ hạn được thực hiện bằng thỏa thuận giao dịch tiền mặt (cash settlement) thay vì giao nhận tài sản gốc (physical delivery).
Tại Việt Nam hiện nay chỉ có hợp đồng kỳ hạn ngoại hối là phổ biến, các đối tượng tham gia bao gồm các ngân hàng thương mại, các công ty xuất nhập khẩu, các tổ chức đầu tư tài chính để phòng ngừa rủi ro về tỷ giá.