Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex là một trong những ngân hàng được thành lập lâu đời từ năm 1993. Trải qua 27 năm hình thành và phát triển, PGBank đã xây dựng được thương hiệu và vị thế riêng trên thị trường tài chính ngân hàng, đặc biệt với hệ thống các doanh nghiệp xăng dầu. Định hướng trở thành một trong những ngân hàng TMCP đa năng tại VN thực hiện cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng chất lượng cao dựa trên đội ngũ nhân viên nhiệt tình, chuyên nghiệp và một nên tảng công nghệ hiện đại, trong đó ưu tiên tập trung và áp dụng chiến lược khác biệt hóa để trở thành ngân hàng hàng đầu tại những lĩnh vực, dịch vụ mà PGBank có lợi thế cạnh tranh
Quá trình hình thành
- Tiền thân của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (“PG Bank”) là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, chính thức hoạt động theo giấy phép số 0045/NH-GP ngày 13/11/1993 với số vốn điều lệ ban đầu là 700 triệu đồng.\
- Trong những năm đầu phát triển, Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười luôn có sự tăng trưởng tốt và đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nhận thấy rõ tiềm năng và cơ hội phát triển của Ngân hàng nói riêng và thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam nói chung trong quá trình hiện đại hóa đất nước, tháng 7 năm 2005, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã tham gia tăng vốn điều lệ lên 90 tỷ đồng và trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng để thực hiện phương án tái cấu trúc và mở rộng phạm vi hoạt động cũng như các sản phẩm dịch vụ của Ngân hàng. Kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh và tài chính ngân hàng cũng như tiềm lực tài chính dồi dào của các cổ đông mới đã đem lại sự thay đổi lớn về mục tiêu phát triển, định hướng chiến lược và quy mô hoạt động của Ngân hàng.
- Chính các cam kết đầu tư chiến lược của các cổ đông lớn và phương án tái cẩu trúc hiệu quả thể hiện qua các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh ấn tượng là tiền đề cho việc Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười được phép chuyển đổi mô hình thành Ngân hàng cổ phần đô thị theo quyết định số 125/QĐ-NHNN ngày 12/01/2007 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đánh dấu trang phát triển mới của Ngân hàng.
- Cùng với việc chuyển đổi thành Ngân hàng đô thị và sự tham gia của các cổ đông lớn với chiến lược phát triển mới, ngày 08/02/2007 Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười đã chính thức đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (viết tắt là PG Bank) theo quyết định số 368/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
- Ngày 18/12/2009, PGBank được ủy Ban Chứng Khoán công nhận chính thức trở thành công ty đại chúng.
- Ngày 25/12/2009, PG Bank được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex chuyển Hội sở chính từ 132-134 Nguyễn Huệ, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp đến Văn phòng 5, nhà 18T1-18T2 Khu Đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Lê Văn Lương, Hà Nội.
- Được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, ngày 05/01/2012, PG Bank chính thức chuyển Trụ sở chính về Tầng 16, 23 và 24, Tòa nhà MIPEC, 229 phố Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
- Tính đến 30 tháng 06 năm 2020, mạng lưới chi nhánh của Ngân hàng là 80 điểm giao dịch trong đó có 1 trụ sở chính và 16 chi nhánh trên cả nước.
- Từ khi thành lập đến nay, Ngân hàng đã trải qua 08 lần tăng vốn. Hiện nay, Ngân hàng đang hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 1400116233 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp, đăng ký lần đầu ngày 29 tháng 11 năm 1993, cấp thay đổi lần thứ 19 ngày 24 tháng 10 năm 2019, với số vốn điều lệ hiện tại là 3.000 tỷ đồng.
- Ngày 27/11/2020, Ngân hàng được Trung Tâm Lưu Ký Chứng Khoán Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán số 74/2020/GCNCP-VSD với mã cổ phiếu là PGB.
Ngành nghề kinh doanh
- Huy động vốn: ngắn hạn, trung hạn, dài hạn dưới các hình thức tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn , chứng chỉ tiền gửi, tiếp nhận vốn đầu tư và phát triển, vay vốn các tổ chức tín dụng khác trong nước và các định chế tài chinh ngân hàng nước ngoài.
- Cho vay: ngắn hạn, trung hạn, dài hạn mọi đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
- Thực hiện các dịch vụ thanh toán trong nước và quốc tế phục vụ mọi đối tượng khách hàng.
- Kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ thẻ.
- Đầu tư vào cổ phiếu chính phủ: góp vốn liên doanh, mua cổ phiếu trên thị trường vốn ngắn hạn và dài hạn.
- Chiết khấu thương phiếu, cổ phiếu, giấy tờ có giá.
- Các dịch vụ ngân hàng khác.