Cổ phiếu Blue chip được hiểu là cổ phiếu cho thu nhập ổn định, không có tỷ lệ nợ quá mức cho phép, độ rủi ro thấp. Blue chip thường do các công ty có vốn hóa thị trường lớn phát hành, chẳng hạn trên thị trường quốc tế có cổ phiếu của công ty Coca Cola, Microsoft, IBM… Ở Việt Nam những mã cổ phiếu được xếp vào danh sách blue chip như: VIC (Vingroup), VNM (Vinamilk), FPT (CTy cổ phần FPT), v.v...
Chỉ có cổ phiếu của những doanh nghiệp quy mô rất lớn mới được gọi là Blue chip. Vì thế trên cơ bản đây là loại cổ phiếu rất an toàn cho việc đầu tư. Các công ty có thể tự cân đối dù là trong cảnh suy thoái kinh tế và dù giá có giảm thì cũng sẽ giảm ít hơn các cổ phiếu của những công ty vừa và nhỏ khác. Thêm nữa, các công ty phát hành cổ phiếu Blue chip cũng luôn cam kết một mức cổ tức cố định cho cổ đông nên càng khiến nhiều người muốn đầu tư vào dạng cổ phiếu này, nhất là các nhà đầu tư lớn như các quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính.
Tìm hiểu chi tiết về cổ phiếu Blue chip ngay sau đây.
Cổ phiếu Blue chip là gì?
Cổ phiếu Blue-chip là cổ phiếu của các công ty uy tín, tài chính vững vàng, giá trị vốn hoá lớn, có lịch sử thành lập - hoạt động lâu năm, minh bạch trong chi trả cổ tức cho nhà đầu tư. Thông thường, Blue chip sẽ đến từ doanh nghiệp dẫn đầu thị trường hoặc là những doanh nghiệp thuộc “top-of-mind” trong từng lĩnh vực.
Vì được bảo chứng bởi tình hình kinh doanh ấn tượng, Blue chip thường rất được nhà đầu tư săn đón. Trên thế giới một số cái tên thuộc về nhóm cổ phiếu này là IBM, Microsoft, Coca Cola, Boeing… Không nằm ngoài định nghĩa trên, nhóm cổ phiếu Blue chip của Việt Nam là “sân chơi” của VCB, CTG, HDB, STB, MBB, VNM, CTG, MWG, MSN, REE, FPT…
Đặc điểm nổi bật của Cổ phiếu Blue chip bao gồm những gì?
- Vốn hoá lớn: Công ty sở hữu Cổ phiếu Blue chip phải có vốn hoá trên 10.000 nghìn tỷ.
- Lịch sử lâu đời: Cổ phiếu Blue chip phải có lịch sử hoạt động, tăng trưởng bền vững và đủ khả năng đảm bảo triển vọng tiếp tục trong tương lai. Có thể chúng sẽ không “hào nhoáng” như nhiều cổ phiếu từ các công ty công nghệ phát triển nhanh nhưng luôn đủ sức thuyết phục mọi nhà đầu tư bởi sự vững vàng.
- Sự đóng góp cho thị trường: Nhóm cổ phiếu này đảm bảo dòng tiền cho nhà đầu tư nhờ tình hình kinh doanh ổn định, ít biến động, ít rủi ro. Nhờ vậy mà Blue chip đóng vai trò nâng đỡ, dẫn dắt và tác động trực tiếp đến chỉ số thị trường.
- Các chỉ số thị trường: Cổ phiếu Blue chip sẽ nằm trong nhóm có chỉ số (Index) ấn tượng nhất của mỗi quốc gia, tại Việt Nam sẽ là nhóm VN30-Index.
- Cổ tức: Không phải 100% cổ phiếu Blue chip đều trả cổ tức cho nhà đầu tư nhưng thông thường phần lớn sẽ có. Đây là khoản lợi nhuận ròng trả cho mỗi cổ phần (bằng tiền mặt hoặc tài sản khác), được trích từ nguồn lợi nhuận sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài chính.
Ví dụ: Một cổ phiếu trong nhóm Blue chip của Việt Nam là Vietcombank. Chốt phiên giao dịch ngày 03/04/2021, giá VCB ở mức 97.800 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng tại nước ta. Điều này đến từ tình hình kinh doanh ổn định của Vietcombank với 3 “cột trụ”: sở hữu nguồn tiền giá rẻ lớn nhất hệ thống, tỷ trọng dư nợ bán lẻ liên tục tăng và khoản thu dịch vụ ấn tượng. Kết hợp cùng đó là việc trích lập dự phòng, lợi nhuận tăng đã đảm bảo công ty vận hành trơn tru, ít rủi ro phát sinh.
Vì sao nên sở hữu cổ phiếu Blue chip?
Xuất phát từ loại thẻ đổi tiền để chơi poker tại casino, Blue chip là loại thẻ màu xanh có giá trị quy đổi cao nhất. Vì vậy sau khi được ứng dụng vào thị trường tài chính chứng khoán, Blue chip dùng để chỉ cổ phiếu của công ty có thu nhập ổn định, rủi ro thấp.
Theo Investopedia, mặc dù việc chi trả cổ tức không quá cần thiết với Blue chip nhưng loại cổ phiếu này luôn sở hữu kỷ lục đáng mơ ước về hoàn trả cổ tức ổn định hoặc đà tăng trưởng. Cổ phiếu Blue chip còn là một phần của các chỉ số thị trường (index) ấn tượng như Nasdaq-100 tại Mỹ, TSX-60 tại Canada, FTSE của Vương Quốc Anh hay VN30 Index của Việt Nam.
Chẳng những vậy, Blue chip còn được xem như “bến đỗ” lý tưởng cho dòng tiền khi là nguồn tài chính vững chắc, đủ sức vượt qua các biến động của thị trường để chủ sở hữu có thể an tâm lựa chọn. Do đó nhà đầu tư mới chưa nhiều kinh nghiệm có thể “xuống tiền” sở hữu Blue chip để tối thiểu hoá những rủi ro không đáng có.
Cần lưu ý điều gì khi đầu tư cổ phiếu Blue chip?
Tuy được bảo chứng bởi doanh nghiệp lớn nhưng Blue-chip không phải là sự lựa chọn hoàn hảo. Thế giới từng chứng kiến sự phá sản của General Motors, Lehman Brothers hay hàng loạt ngân hàng top đầu Châu Âu trong đại suy thoái kinh tế toàn cầu 2008. Đây là minh chứng cho những rủi ro vẫn có của Cổ phiếu Blue-chip trên thế giới, hoàn toàn có thể lặp lại tại Việt Nam.
Chính vì vậy, nhà đầu tư không nên quá phụ thuộc vào Blue-chip mà chỉ nên sử dụng nó để làm cổ phiếu cốt lõi trong danh mục đầu tư và không ngừng mở rộng, cân nhắc sở hữu thêm những loại cổ phiếu có vốn hoá trung bình (Cổ phiếu Midcap) hoặc nhỏ (Cổ phiếu Penny). Đừng bao giờ “bỏ hết trứng vào một rổ” để luôn chủ động đối phó với biến động từ thị trường tài chính - chứng khoán.