Cổ phiếu Penny là gì?
Cổ phiếu Penny tại thị trường Mỹ
Cổ phiếu penny là các cổ phiếu có thị giá giao dịch nhỏ hơn $5/cổ phiếu theo quy định của UBCK Mỹ. Dù có một số cổ phiếu penny vẫn giao dịch trên các sàn lớn như New York, hầu hết được giao dịch ở sàn giao dịch phi tập trung (sàn OTC).
Cổ phiếu penny thường đi liền với các công ty nhỏ và không được giao dịch thường xuyên, kém thanh khoản. Do đó, các nhà đầu tư thường gặp khó khăn khi bán cổ phiếu penny do không có người sẵn sàng mua ngay lúc đó. Một hệ quả khác là giá của các cổ phiếu penny thường không phản ánh thị trường do tính kém thanh khoản.
Do các đặc tính kém thanh khoản, quy mô công ty nhỏ, chi phí giao dịch cao, các cổ phiếu penny thường được coi là các tài sản đầu cơ. Các nhà đầu tư có thể phải chịu những khoản lỗ lớn hoặc toàn bộ số tiền họ đầu tư vào cổ phiếu penny.
Cổ phiếu Penny tại thị trường Việt Nam
Cổ phiếu penny ở Việt Nam là cổ phiếu từ những công ty có quy mô nhỏ, giá trị vốn hoá thấp (dưới 1000 tỷ đồng), khả năng thanh khoản kém và độ rủi ro cao. Thông thường nhóm này sẽ được giao dịch với giá dưới 10.000 VNĐ cho mỗi cổ phiếu.
Do gắn liền với công ty tài chính hạn chế nên cổ phiếu Penny không có tính thanh khoản ấn tượng như nhóm Bluechip. Vì vậy nhóm này luôn gây khó khăn cho người muốn bán hoặc cần tìm mức giá thị trường chính xác. Nhóm cổ phiếu Penny ở Việt Nam gồm FTM, DLG, TGG, TDG, AMD, HVX... (Sàn HoSE) hay là ACM, CET, LM7, PVL…(Sàn HNX).
Ai nên đầu tư vào cổ phiếu Penny và vì sao?
Cổ phiếu Penny thích hợp với nhà đầu tư có khả năng chấp nhận rủi ro lớn (đầu tư mạo hiểm). Họ có thể “trắng tay” dễ dàng, nhất là khi mua ký quỹ (vay vốn từ ngân hàng hay công ty chứng khoán để mua cổ phiếu). Để hạn chế điều này, nhiều người đã dự phòng biện pháp đặc biệt như chuẩn bị lệnh cắt lỗ trước khi tham gia giao dịch. Nếu thị trường đi ngược với dự kiến, lệnh sẽ tự động kích hoạt việc bán cổ phiếu.
Ngoài việc thuộc công ty không có giá trị vốn hoá thị trường cao, sở hữu cổ phiếu Penny còn rủi ro là bởi vì:
- Thiếu bảo chứng từ lịch sử: Do công ty nhỏ, thời gian hoạt động ngắn nên không đảm bảo sức bền qua thử thách thị trường như nhóm Bluechip.
- Thiếu thông tin tham khảo: Cổ phiếu Penny thường không có sự tham gia của nhà đầu tư chuyên nghiệp nên chất lượng lẫn số lượng thông tin được công bố tới công chúng thấp.
- Chưa có tiêu chuẩn sàng lọc tối thiểu: Khiến rủi ro tăng cao do người mua không có cơ sở để đánh giá cổ phiếu.
- Thanh khoản thấp, dễ gian lận: Vì không thường xuyên giao dịch nên cổ phiếu Penny có thanh khoản khá kém, dễ khiến nhà đầu tư lỗ khi bán ra. Tại đây cũng tiềm ẩn nguy cơ bị thao túng, bơm - bán phá giá kéo theo đó là nhiều khách mua “non” kinh nghiệm bị cuốn vào, lỗ nặng, thậm chí là “trắng tay”.
Cơ hội và rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu Penny
Cổ phiếu Penny là nhóm cổ phiếu đến từ những công ty nhỏ, thời gian hoạt động chưa lâu, giá trị vốn hoá thấp và khả năng tài chính hạn chế.
Cơ hội:
- Là nơi lý tưởng để công ty nhỏ tiếp cận được nguồn vốn công
- Mức giá thấp đi cùng với đó là quỹ tăng giá đáng kể
Rủi ro:
- Rủi ro cao do công ty có thời gian phát triển, tài chính chưa vững vàng
- Dễ bị gian lận, thao túng, lũng đoạn
Cổ phiếu Penny có tiềm năng không?
Khác với nhóm Blue-chip luôn được đông đảo nhà đầu tư ưu ái, cổ phiếu Penny lại thường xuyên bị “ghẻ lạnh” tại mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy, đây là “sân chơi” đầy tiềm năng, luôn tự đột phá đỉnh tăng trưởng. Theo CafeF, kết thúc phiên giao dịch 14/9 vừa qua, chỉ số VN-Index đạt 1.339,7 điểm, VN30-Index đạt 1.438,16 điểm lần lượt thấp hơn 6% và 8% so với đầu tháng 7/2021. Trong khi hai chỉ số này đang khá loay hoay trong việc tái lập đỉnh thì hàng loạt cổ phiếu Penny lại âm thầm bứt phá, mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho không ít nhà đầu tư.
VNSMallcap (chỉ số vốn hoá đo lường mức tăng trưởng các công ty quy mô nhỏ trong VNAllShare) hiện chẳng ngừng vượt đỉnh. Sau khi kết thúc phiên giao dịch hồi giữa tháng 9, chỉ số này đạt 1.630,35 điểm, tăng gần 52% so với đầu 2021, vượt hơn hẳn VN-Index (21,4%) và VN30-Index (34,3%). Đây cũng là thành tích cao nhất của VNSMallcap kể từ khi thành lập vào năm 2014 đến nay (tăng gần 3 lần). Bên cạnh những cổ phiếu “bứt tốc” mạnh mẽ từ đầu năm như HAH (tăng 4,2 lần), NKG (tăng 3,2 lần), SHI (tăng 2,4 lần), FTS (tăng 2,4 lần)...là một số cổ phiếu Penny trên sàn HoSE cũng sở hữu mức tăng ấn tượng như nhóm “họ Louis" gồm TGG, APG. Khả năng thanh khoản liên tiếp lập kỷ lục cho thấy dòng tiền trên thị trường chứng khoán đang có sự dịch chuyển từ Blue-Chip sang Penny.
Lưu ý khi đầu tư cổ phiếu Penny
Luôn cẩn trọng
Đừng quên luôn thận trọng khi đầu tư cổ phiếu Penny! Trong quá trình theo dõi báo cáo tài chính mà phát hiện các mục bất thường trong phần chú thích, vấn đề kiểm toán kỳ lạ hoặc đi kèm với quyền sở hữu nội bộ lớn, nhà đầu tư nên dừng lại xem xét và cân nhắc vấn đề bán cổ phiếu.
Nếu chưa thực sự tự tin về kiến thức, nhà đầu tư mới nên đi từng bước với nhà môi giới đáng tin cậy. Tuy nhiên không nên “tất tay” đặt trọn niềm tin hoặc tài sản lớn vào những người này. Quý vị có thể chọn 1 số cổ phiếu Blue-Chip để làm cốt lõi sau đó mở rộng danh mục đầu tư với Penny để hạn chế rủi ro.
Hiểu về rủi ro và tỉnh táo khi tham gia thị trường
Khi giao dịch cổ phiếu Penny, nhà đầu tư mới thường khó tìm được nguồn khách mua so với nhóm Bluechip. Tuy nhiên đừng vì vậy mà dễ dàng “xuôi lòng” trước những lời chào bán giá thấp khi chưa được kiểm chứng cẩn thận từ thị trường. Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn phải cẩn trọng để tránh những “bẫy” thao túng giá từ những kẻ đầu cơ để đảm bảo chắc chắn tài sản cho bản thân.