LDR

Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) là gì?

Tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (Loan-to-Deposit Ratio - LDR) là một trong những thước đo quan trọng được sử dụng trong hoạt động quản lý và giám sát hoạt động ngân hàng nhằm đánh giá thanh khoản hay khả năng chi trả của một tổ chức tín dụng. Bằng cách so sánh tổng số khoản cho vay của ngân hàng với tổng số tiền gửi của ngân hàng đó trong cùng thời kỳ. LDR được thể hiện dưới dạng phần trăm. Nếu tỷ lệ này quá cao, điều đó có nghĩa là ngân hàng có thể không có đủ thanh khoản để đáp ứng yêu cầu bất ngờ. Ngược lại, nếu tỷ lệ này quá thấp, hiệu suất sử dụng vốn có thể đang gặp vấn đề.

Công thức tính tỷ lệ LDR

Bạn có thể tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi bằng công thức sau:

LDR (%) = L/D*100%

Trong đó:

  • LDR: Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi.
  • L: Tổng dư nợ cho vay (quy định tại mục dưới).
  • D: Tổng tiền gửi (quy định tại mục dưới).

Quy định về LDR theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN

Tổng dư nợ cho vay bao gồm:

  • Dư nợ cho vay đối với cá nhân, tổ chức (không bao gồm dư nợ cho vay tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam);
  • Các khoản ủy thác cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác cho vay.

Tổng dư nợ cho vay được trừ đi:

  • Dư nợ cho vay bằng nguồn ủy thác của Chính phủ, cá nhân và tổ chức khác (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam; ngân hàng mẹ, chi nhánh ở nước ngoài của ngân hàng mẹ) mà các rủi ro liên quan đến khoản cho vay này do Chính phủ, cá nhân và tổ chức này chịu;
  • Nguồn vốn vay ở nước ngoài của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nguồn vốn vay ở nước ngoài bao gồm cả nguồn vốn vay của ngân hàng mẹ và các chi nhánh của ngân hàng mẹ ở nước ngoài;
  • Số dư vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, không bao gồm số dư vay tái cấp vốn để hỗ trợ khả năng chi trả tạm thời.

Tổng tiền gửi bao gồm:

  • Tiền gửi của tổ chức trong nước và nước ngoài (bao gồm cả tiền gửi của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác), trừ các khoản sau đây:
    • Tiền gửi các loại của Kho bạc Nhà nước;
    • Tiền ký quỹ và tiền gửi vốn chuyên dùng của khách hàng;
  • Tiền gửi của cá nhân, trừ tiền ký quỹ và tiền gửi vốn chuyên dùng.
  • Tiền huy động từ phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu.
  • Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tối đa 85%.

    Đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới thành lập trong 3 (ba) năm đầu tiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ cụ thể khác với các tỷ lệ nêu trên đối với từng ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

    Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải thực hiện tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi quy định tại khoản 5 Điều này nếu vốn điều lệ, vốn được cấp còn lại sau khi trừ đi lỗ lũy kế (được xác định trên bảng cân đối tài khoản kế toán tại thời điểm tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi), giá trị nguyên giá của các khoản mua, đầu tư tài sản cố định, góp vốn, mua cổ phần theo quy định của pháp luật lớn hơn dư nợ cho vay.

    (*) Lưu ý: Nội dung được tổng hợp từ nhiều nguồn tin cậy, có giá trị tham khảo cho người tra cứu. Tuy nhiên, chúng tôi không chịu trách nhiệm trước mọi rủi ro do sử dụng nội dung này.