Room tín dụng ngân hàng là gì?
Thuật ngữ "room tín dụng” trong lĩnh vực ngân hàng được sử dụng để chỉ hạn mức/giới hạn cho vay của một ngân hàng. Vào mỗi đầu năm, ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ công bố room tín dụng cho toàn ngành để quy định mức tăng trưởng tín dụng tối đa. Chẳng hạn vào năm 2011, khi nền kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của tình trạng lạm phát cao đột biến trong nhiều năm, room tín dụng được triển khai nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạng này và nó được áp dụng cho đến hiện tại.
Tùy vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng, bao gồm hiệu quả quản lý tín dụng và chất lượng tín dụng, NHNN sẽ phân phối tỷ lệ room tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước dựa trên mức tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế.
Hết room tín dụng là gì?
Hết room tín dụng (cạn room tín dụng) là thuật ngữ để chỉ tình trạng khi ngân hàng đã sử dụng hết giới hạn tín dụng được quy định bởi NHNN và không thể tiếp tục cho vay. Khi đó, các cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu vay tiền có thể gặp rất nhiều khó khăn, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngân hàng.
Như đã đề cập, tỷ lệ phân bổ room tín dụng được xác định dựa trên sức khỏe tài chính và hiệu quả quản lý tín dụng của một ngân hàng. Nếu một ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước hoặc thấp hơn các ngân hàng khác trong hệ thống, điều này cho thấy rủi ro tài chính của ngân hàng đó đã cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong quá khứ.
Nới room tín dụng là gì?
Khi một NHTM hết room tín dụng, họ không thể cấp cho khách hàng vay nữa. Lúc đó, các NHTM có thể yêu cầu NHNN nới room tín dụng. Việc này sẽ phụ thuộc vào kết quả rà soát và kiểm tra của NHNN. Nếu được chấp thuận, NHTM có thể cho vay vượt quá giới hạn tín dụng được quy định.
Vậy, có thể hiểu đơn giản nới room tín dụng ngân hàng là việc NHNN tăng mức giới hạn cho vay của NHTM. Điều này được coi là một tín hiệu tích cực cho các lĩnh vực bất động sản và chứng khoán bởi vì cơ hội phát triển của họ sẽ lớn hơn, có cơ hội phục hồi lại sau giai đoạn lợi nhuận bị suy thoái.
Tuy nhiên, không phải NHTM nào cũng được nới room tín dụng với hạn mức giống nhau. NHNN sẽ phân bổ room tín dụng dựa trên nhiều yếu tố như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), năng lực quản trị rủi ro dựa trên tiêu chuẩn Basel II, Basel III,… Do đó, những ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn và chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả như Techcombank, TPBank, MB Bank, Vietcombank,… thường được cấp mức hạn mức tín dụng cao hơn để phù hợp với nhu cầu vay vốn của khách hàng.