RRR

Tỷ lệ lợi tức yêu cầu (RRR) là gì?

Tỷ lệ lợi tức yêu cầu (Required Rate of Returrn - RRR) là mức lợi nhuận tối thiểu mà nhà đầu tư có thể chấp nhận để đầu tư vào cổ phiếu nhằm bù đắp rủi ro liên quan đến việc nắm giữ cổ phiếu đó. RRR cũng được sử dụng trong tài chính doanh nghiệp để phân tích khả năng sinh lời của các dự án đầu tư tiềm năng.

RRR còn được biết đến là lãi suất ngưỡng (Hurdle rate), biểu thị mức đền bù cho rủi ro hiện tại mà nhà đầu tư phải gánh chịu. Các dự án có rủi ro cao hơn thường có lãi suất ngưỡng hoặc RRR cao hơn so với những dự án rủi ro thấp.

Phương pháp tính tỷ lệ lợi tức yêu cầu (RRR)

Có một số cách tính toán tỷ lệ lợi tức yêu cầu như mô hình chiết khấu cổ tức (DDM) hoặc mô hình định giá tài sản vốn (CAPM). Việc lựa chọn mô hình tính toán RRR phụ thuộc vào tùy từng trường hợp khác nhau.

Tính (RRR) bằng cách sử dụng mô hình chiết khấu cổ tức (DDM)

Nếu nhà đầu tư đang cân nhắc việc mua cổ phiếu của một công ty trả cổ tức, thì nên sử dụng mô hình chiết khấu cổ tức. Một biến thể của mô hình chiết khấu cổ tức được sử dụng để tính toán là mô hình tăng trưởng Gordon,

Mô hình chiết khấu cổ tức dùng để tính toán RRR của một cổ phiếu trả cổ tức bằng cách sử dụng giá cổ phiếu hiện tại, cổ tức trên mỗi cổ phiếu và tốc độ tăng trưởng cổ tức dự kiến. Công thức như sau:

RRR = (Cổ tức dự kiến/Giá cổ phiếu) + Tốc độ tăng trưởng cổ tức

Ví dụ: Một công ty dự kiến sẽ trả cổ tức là $3 vào năm tiếp theo và giá trị thị trường là $100/cổ phiếu, tốc độ tăng trưởng cổ tức hằng năm là 4%.

RRR = ($3/$100) + 4% = 7%

Tính (RRR) bằng cách sử dụng mô hình định giá tài sản vốn (CAPM)

Một cách khác để tính RRR là sử dụng mô hình định giá tài sản vốn (CAPM), cách này thường được các nhà đầu tư sử dụng cho các cổ phiếu không trả cổ tức.

Mô hình CAPM sử dụng hệ số beta của một tài sản. Beta là hệ số rủi ro cho việc nắm giữ cổ phiếu. Nói cách khác, beta đo lường mức độ rủi ro của cổ phiếu hoặc khoản đầu tư theo thời gian. Cổ phiếu có hệ số beta lớn hơn 1 sẽ có rủi ro cao hơn mức trung bình của thị trường (là các chỉ số như S&P 500 ở Hoa Kỳ hoặc TSX Composite ở Canada). Cổ phiếu có hệ số beta nhỏ hơn 1 sẽ có rủi ro thấp hơn mức trung bình của thị trường.

Công thức này cũng sử dụng lãi suất phi rủi ro, thường là lãi suất của trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ ngắn hạn. Biến cuối cùng là tỷ suất sinh lời thị trường, thường là lợi nhuận hằng năm của chỉ số S&P 500. Công thức tính RRR theo mô hình CAPM như sau:

RRR = Lãi suất phi rủi ro + Beta * (Tỷ suất sinh lời thị trường - Lãi suất phi rủi ro)

Ví dụ: Trong mô hình định giá tài sản vốn (CAPM), RRR được tính toán bằng cách sử dụng hệ số beta, lợi suất phi rủi ro và phần bù rủi ro vốn chủ sở hữu.

Giả sử:

  • Lãi suất trái phiếu kho bạc Hoa kỳ ngắn hạn là 2%. Tỷ lệ sinh lời trung bình dài hạn của thị trường là 10%.
  • Hệ số beta là 1.50 (lớn hơn 1, rủi ro cao hơn mức trung bình thị trường).

Để đầu tư vào công ty A thì:

RRR = 2% + 1.50 * (10% - 2%) = 14%

Công ty B có hệ số beta bằng 0.50 (nhỏ hơn 1, ít rủi ro hơn so với mức trung bình thị trường)

Để đầu tư vào công ty B thì:

RRR = 2% + 0.5 * (10% - 2%) = 6%

Ta có RRR(A) > RRR(B), nhà đầu tư đánh giá giá trị của việc tư vào công ty A so với công ty B sẽ yêu cầu tỷ lệ lợi tức cao hơn đáng kể từ công ty A vì hệ số beta của A cao hơn nhiều so với B.

Tỷ lệ lợi tức yêu cầu (Required Rate of Return - RRR) cho bạn biết điều gì?

Tỷ lệ lợi tức yêu cầu RRR dùng để định giá vốn cổ phần và tài chính doanh nghiệp. Do mục tiêu và khả năng chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư khác nhau nên rất khó xác định RRR. Mức độ rủi ro, kỳ vọng lạm phát và cấu trúc vốn của doanh nghiệp đều đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tỷ lệ lợi tức yêu cầu RRR. Các yếu tố kể trên đều tác động lớn đến giá trị hiện tại của chứng khoán.

Với các nhà đầu tư sử dụng công thức CAPM, một cổ phiếu có hệ số beta lớn hơn trung bình thị trường phải có RRR cao hơn để bù đắp cho mức độ rủi ro mà các nhà đầu tư phải gánh chịu.

Nói cách khác, RRR được tính toán bằng cách thêm phần bù rủi ro vào lợi suất phi rủi ro dự kiến để tính đến biến động và rủi ro tiếp theo.

Đối với các dự án vốn, RRR là công cụ hữu ích giúp các nhà đầu tư so sánh và chọn lựa giữa các dự án khác nhau. Cần xác định RRR để tiến hành dự án, có thể một dự án không đáp ứng RRR nhưng phải hướng tới lợi ích lâu dài tốt nhất cho doanh nghiệp.

Để tính toán chính xác RRR và làm RRR trở nên có ý nghĩa, nhà đầu tư cần xem xét chi phí vốn của họ, cũng như lợi nhuận có được từ các khoản đầu tư khác. Ngoài ra cần cân nhắc tới yếu tố lạm phát vào phân tích RRR để có được tỷ lệ lợi tức yêu cầu thực tế (điều chỉnh theo lạm phát).

Tỷ lệ lợi tức yêu cầu và chi phí vốn

Mặc dù tỷ lệ lợi tức yêu cầu được sử dụng trong các dự án vốn đầu tư, nhưng RRR không phải là mức lợi tức cần thiết để trang trải chi phí vốn. Chi phí vốn là lợi suất tối thiểu để trang trải chi phí phát hành nợ và vốn cổ phần để huy động vốn cho dự án. Chi phí sử dụng vốn là lợi tức thấp nhất để tính cấu trúc vốn. RRR luôn cao hơn chi phí vốn.

Giới hạn của tỷ lệ lợi tức yêu cầu (RRR)

  • Tính toán RRR không phụ thuộc vào kỳ vọng lạm phát vì lạm phát tăng làm giảm lợi nhuận đầu tư. Tuy nhiên, mỗi người kỳ vọng một mức lạm phát khác nhau và có thể sai.
  • Các nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau nên RRR sẽ khác nhau. Một người về hưu sẽ có mức chấp nhận rủi ro thấp hơn một nhà đầu tư mới tốt nghiệp đại học. Do đó, RRR là tỷ lệ lợi tức mang tính chủ quan.
  • RRR không phụ thuộc vào tính thanh khoản của một khoản đầu tư. Nếu một khoản đầu tư có tính thanh khoản thấp sẽ có rủi ro cao hơn một khoản đầu tư có tính thanh khoản cao.
  • Việc so sánh các cổ phiếu khác ngành rất khó khăn vì rủi ro và hệ số beta khác nhau. Một nhà đầu tư nên sử dụng nhiều tỷ lệ để phân tích và xem xét các cơ hội đầu tư của mình.

(*) Lưu ý: Nội dung được tổng hợp từ nhiều nguồn tin cậy, có giá trị tham khảo cho người tra cứu. Tuy nhiên, chúng tôi không chịu trách nhiệm trước mọi rủi ro do sử dụng nội dung này.