Với lịch sử 50 năm hình thành và phát triển, vinatex là đơn vị dẫn đầu ngành Dệt may Việt Nam. Vinatex có đầy đủ các thành phần cần thiết để xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, làm nền tảng để Vinatex tiến từ hình thức CMT gia công thuần túy lên hình thức Sản xuất xuất khẩu ODM. Ngoài ra, các công ty thành viên của Vinatex cũng tự xây dựng các cửa hàng thời trang mang nhãn nhiệu riêng phục vụ thị trường nội địa. Vinatex và các công ty thành viên hiện đã đạt đến trình độ tiên tiến, có khả năng thực hiện hầu hết mọi loại đơn hàng với cấp chất lượng khác nhau.
Lịch sử hình thành:
- Tổng Công ty Dệt may Việt Nam trước kia (Vinatex) được thành lập là một khối liên kết giữa các xí nghiệp Trung ương của Nhà nước trong lĩnh vực dệt may. Vinatex thực hiện sản xuất, xuất nhập khẩu và là một mạng lưới tiêu thụ bán buôn, bán lẻ hàng dệt may. Các hoạt động đa dạng của Vinatex từ đầu tư, sản xuất, cung cấp nguyên phụ liệu đến việc kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm đều tuân theo Pháp luật Việt Nam.
- Đề án thí điểm thành lập Tập đoàn Dệt May Việt Nam và thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 314/2005/QĐ-TTg và số 316/2005/QĐ-TTg ngày 2/12/2005. Trong đó, Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt May là công ty Nhà nước, có chức năng trực tiếp sản xuất kinh doanh và đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp khác, giữ quyền chi phối các công ty con thông qua vốn, tài sản Nhà nước giao quản lý, công nghệ, thương hiệu và thị trường.
- Ngày 25/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 974/QĐ-TTg về việc chuyển Công ty mẹ- Tập đoàn Dệt may Việt Nam thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
- Ngày 07/3/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 340/QĐ-TTg phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dệt May Việt Nam.
- Ngày 08/02/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 320/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Dệt May Việt Nam giai đoạn 2013 - 2015.
- Ngày 09/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2013/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dệt May Việt Nam.
- Năm 2014, Tập đoàn Dệt May Việt Nam cổ phần hóa thành công theo Quyết định số 646/QĐ-TTg ngày 06/05/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Ngày 22/09/2014 Tập đoàn đã thực hiện thành công bán cổ phần lần đầu ra công chúng, tổ chức Đại hội đồng Cổ đông lần đầu ngày 08/01/2015 và được Sở kế hoạch đầu tư thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần vào ngày 29/01/2015.
Ngành, nghề kinh doanh:
- Ngành, nghề kinh doanh chính: Sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm dệt may thời trang.
- Ngành, nghề kinh doanh có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính:
- Sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, thiết bị, phụ tùng, hóa chất, thuốc nhuộm, thiết bị phụ tùng ngành dệt may thời trang.
- Đào tạo nghề, quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
- Giám định, kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may, giống bông; đầu tư và kinh doanh cơ sở hạ tầng dệt may, khu công nghiệp dệt may, xử lý môi trường, siêu thị; tư vấn, thiết kế, lập các dự án đầu tư trong lĩnh vực dệt may, môi trường.
- Đầu tư ra nước ngoài;làm đại diện cho các công ty nước ngoài tại Việt Nam trong lĩnh vực dệt may.